Từ xưa đến nay, hình ảnh giàn cây thiên lý đã trở thành một biểu tượng đẹp, gắn liền với sự dân dã, bình dị của các làng quê. Loài hoa này không chỉ mang một nét đặc trưng trong ẩm thực mà còn là một vị thuốc quý để chữa bệnh trong Đông y. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu tất cả những thông tin liên quan về cây thiên lý bạn nhé!
Tổng quan về cây thiên lý
Cây thiên lý thuộc nhóm cây dây leo, cây thân mềm hóa gỗ. Thân leo của cây thiên lý có màu trắng xám hoặc màu lục pha vàng tùy vào thời gian.
Trung bình, thân cây dài khoảng từ 1 đến 10 mét. Phần thân non sẽ có màu xanh trắng, có thêm lông tơ và nhựa mủ. Còn phân thân của cây từ một năm tuổi sẽ không còn lông mà gồm những mẫu xốp nhỏ. Dưới đây là thông tin tổng quan về cây thiên lý.

- Tên khoa học: Telosma cordata
- Tên gọi khác: Cây dạ lý hương
- Thuộc họ: Thiên lý Asclepiadaceae
Lá cây thiên lý có hình dạng giống với hình tim. Đầu lá nhọn, hai bên mép lá cong hướng lên phía trên. Cuống lá thiên lý thường có lông, dài khoảng 2 đến 5 cm. Phần phiến lá rộng 4 – 7 cm, dài từ 6 đến 12 cm. Mặt lá của thiên lý nổi rõ rệt 3 gân chính cùng 12 gân phụ được chia đều 2 bên. Trên gân lá của cây thiên lý cũng có nhiều lông tơ, giống phần thân non.
Hoa cây thiên lý sẽ mọc thành từng chùm, mỗi chùm có khoảng 15 đến 20 hoa nhỏ. Mỗi cuống hoa dài khoảng 0,5 đến 1,5 cm. Tràng cây thiên lý có màu xanh lục, ánh vàng trông rất đẹp. Màu sắc hoa tạo nên tổng thể dịu mắt, rất hài hòa. Ống tràng dài 6 đến 10 mét, đường kính khoảng 4 đến 6 mm. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy phần này của hoa thiên lý sẽ có lông măng.
Sự phân bố của cây thiên lý
Cây thiên lý được trồng phổ biến tại các nước Đông Dương, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan. Ngoài ra ở các nước châu Âu hay quần đảo Hawaii, người ta cũng trồng rất nhiều cây thiên lý để làm cảnh và lấy hoa.

Tại Việt Nam, cây hoa thiên lý được trồng nhiều trong các sân vườn của gia đình tại các làng quê. Người ta sẽ cho cây thiên lý leo thành giàn vừa để làm cảnh, lấy bóng mát vừa lấy hoa để chế biến các món ăn.
Tìm hiểu về ý nghĩa của cây thiên lý
Ý nghĩa của hoa thiên lý tượng trưng cho một tình yêu son sắt và thủy chung. Dù cho có trải qua biết khó khăn, thử thách hay trở ngại nào thì hai bạn vẫn luôn cùng nhau vượt qua, sống hạnh phúc bên nhau đến trọn đời.

Theo rất nhiều nguồn tư liệu, ý nghĩa của cây thiên lý tương truyền từ một câu chuyện cổ tích.
Tương truyền, ngày xưa có một đôi vợ chồng nhà nọ rất thương yêu nhau. Điểm đặc biệt ở người chồng là có biệt tài thổi sáo rất hay. Mỗi khi tiếng sáo của chàng cất lên, không chỉ là con người mà chim chóc cũng như cỏ cây muôn loài cũng đều mê mẩn. Sở hữu điểm khác biệt này, chàng đã tham gia rất nhiều các cuộc thi về thổi sáo.
Bất kể cuộc thi nào, dù lớn hay nhỏ mà chàng tham gia cũng đều giành được những giải thưởng. Trong số những loài vật mê mẩn, ngưỡng mộ tiếng sáo của chàng có một con rắn lục tâm. Vì muốn chiếm đoạt, biến chàng trai thành của riêng mình, con rắn đã hóa thân làm vợ của chàng.
Quá hoang mang do cả hai người vợ đều giống nhau. Nhờ sự giúp đỡ một cụ cao niên trong làng, cuối cùng phải trải qua rất nhiều thử thách, con rắn lục tâm đã phải hiện nguyên hình. Hai vợ chồng nhận ra nhau, sống hạnh phúc bên nhau suốt cuộc đời về sau.
Điều đáng chú ý là trong thử thách cuối cùng, vợ của chàng có tên là Thị Lý đã nói: Dù cả hai vợ chồng có xác cách nhau tới ngàn dặm thì nàng vẫn nhận ra được người chồng của mình. Dựa vào câu nói ý nghĩa này của nàng, dân gian đã đặt tên cho loại cây thân leo với những chùm hoa nhỏ xinh là cây Thiên Lý.
Hoa thiên lý có tác dụng gì?
Theo Đông Y, cây thiên lý có vị ngọt, tính bình, có công dụng giải nhiệt, làm mát, an thần và đặc tính chống viêm rất tốt.
Trong nghiên cứu của y học, cây thiên lý chứa 3% hàm lượng là chất xơ, 2,8% chất đạm, bột đường. Cùng nhiều loại vitamin và các khoáng chất rất tốt cho cơ thể như: Vitamin B, vitamin C, Canxi, sắt, photpho, kẽm…
Dưới đây là những tác dụng của cây thiên lý đã được các chuyên gia nghiên cứu và phân tích.
Hỗ trợ ngủ ngon, chống mất ngủ
Trong Đông Y, hoa thiên lý là một vị thuốc có tác dụng an thần, giúp giấc ngủ ngon, chống mất ngủ.

Để điều trị chứng mất ngủ, hoa thiên lý sẽ được chế biến như sau: Dùng lá vông nem và hoa thiên lý, mỗi loại khoảng 50 gam. Đem rửa sạch rồi nấu căn ăn hàng ngày. Chỉ cần ăn đều đặn 1 tuần, chứng mất ngủ cải thiện rất rõ rệt.
Bên cạnh đó, hoa thiên lý nấu với cá diếc hoặc thịt băm cũng có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ, an thần.
Hỗ trợ cho người bị trĩ
Hoa thiên lý có tính giải nhiệt rất tốt. Vậy nên, còn được đánh giá là một món ăn tốt cho những người mắc các vấn đề về trĩ.
Ngoài ra, với đặc tính sát khuẩn tự nhiên mạnh mẽ, hoa thiên lý có tác dụng loại bỏ vi khuẩn, ngăn ngừa tình trạng bị viêm nhiễm. Các thành phần trong hoa thiên lý còn có tác dụng giúp làm vết thương mau lành.
Với người bị trĩ, chỉ cần sử dụng hoa thiên lý nấu canh hoặc thêm hoa thiên lý vào khẩu phần ăn dinh dưỡng hàng ngày sẽ có tác dụng giải nhiệt, hỗ trợ điều trị trĩ và tăng cường sức đề kháng.
Hỗ trợ giảm cân an toàn, hiệu quả
Những ai muốn giảm cân, chống thừa cân, béo phì thì hoa thiên lý là một món ăn rất tuyệt vời.

Hoa thiên lý có tác dụng trong việc giảm cân bởi hàm lượng chất xơ, chất diệp lục dồi dào mà rất ít calo. Vậy nên, khi ăn những món ăn từ hoa thiên lý sẽ tạo được cảm giác no lâu, hạn chế hấp thụ các chất béo.
Ngăn ngừa tình trạng mẩn ngứa, rôm sảy
Vào những ngày mùa hè nóng bức, tình trạng rôm sảy ở trẻ em trở nên khá phổ biến. Dù không nguy hiểm đến tính mạng trẻ nhưng gây ra cảm giác khó chịu, ngứa ngáy.
Để ngăn ngừa được tình trạng này, bố mẹ có thể lấy hoa thiên lý xay nhỏ rồi nấu với bột, hoặc cháo để bé ăn. Món cháo hoa thiên lý vừa giúp hỗ trợ tình trạng rôm sảy bởi tính mát, vừa có tác dụng thanh nhiệt giải độc cho cơ thể.
Những món ăn ngon từ hoa thiên lý
Vốn được biết đến nhiều hơn là nguyên liệu của món ăn, từ hoa thiên lý chúng ta có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon, tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn như:
Hoa thiên lý xào với thịt bò
Hoa thiên lý màu xanh bắt mắt kết hợp cùng vị ngọt đậm đà thịt bò trong món thì thịt bò xào với bông thiên lý giúp bữa cơm gia đình thêm hấp dẫn. Cách làm hoa thiên lý xào thịt bò cũng rất đơn giản. Cụ thể như sau:

Về nguyên liệu
Chuẩn bị 150gr thịt bò, 300gr hoa thiên lý, tỏi (3, 4 tép) và các gia vị như nước mắm, hạt nêm, dầu ăn, dầu mè, dầu hào…
Sơ chế các nguyên liệu và cách chế biến
- Thịt bò rửa sạch, cắt mỏng theo thớ nằm ngang để thịt mềm, không bị dai.
- Nhặt sạch hoa thiên lý, ngâm nước lạnh khoảng 15 phút rửa sạch, để ráo và chần nhẹ với nước sôi có pha thêm muối khi xào rau nhanh chín, có màu xanh hấp dẫn.
- Ướp thịt bò khoảng 15 phút bằng cách cho vào một muỗng nước mắm, 1 muỗng tiêu, 1 muỗng cafe dầu mè và một ít tỏi băm cho thơm.
- Xào thịt bò với bông thiên lý. Bắt chảo lên bếp, cho vào 3 muỗng dầu ăn, đun sôi cho đến khi dầu nóng cho tỏi vào phi vàng và thơm. Tiếp tục cho thịt bò vào xào chín rồi đổ tạm thịt bò ra một cái đĩa.
- Cho hoa thiên lý vào đảo đều, cho thêm ½ muỗng hạt nêm, dầu hào vào nêm nếm cho vừa ăn.
Để món thịt bò xào thiên lý ngon, bạn không nên xào thịt bò với bông thiên lý cùng lúc từ ban đầu. Bởi thịt bò chín nhanh, còn hoa thiên lý thì cần xào lâu. Nếu xào chung cùng lúc sẽ dễ khiến thịt bò bị dai, không còn ngon.
Hoa thiên lý xào trứng
Trứng kết hợp hoa thiên lý cũng là một món ăn ngon, lạ miệng, dễ làm mà bạn có thể áp dụng để thay đổi thực đơn ăn uống cho gia đình mình.

Về nguyên liệu
Hoa thiên lý ( 400g), trứng gà (3 quả), hành lá, các gia vị nấu ăn như muối, dầu hào, hạt nêm, đường…
Sơ chế các nguyên liệu và cách chế biến
- Hoa thiên lý nhặt sạch, ngâm nước muối pha loãng khoảng 10 – 15 phút rồi rửa lại bằng nước sạch, vớt ra rồi để ráo nước.
- Đập trứng gà vào bát. Cho ½ muỗng muối, hạt tiêu rồi khuấy đều.
- Hành rửa sạch, cắt nhỏ.
- Bắc chảo lên bếp rồi cho dầu ăn vào đun đến khi dầu nóng cho bông thiên lý vào. Tiếp tục nêm nếm các loại gia vị, đảo đều tay khoảng 1 phút trên lửa vừa.
- Cho trứng đã đánh tan vào chảo, đảo đều tay cho đến khi trứng săn lại. Thêm hành lá, nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn, đảo thêm khoảng 15 giây rồi tắt bếp.
Hoa thiên lý xào tỏi
Hoa thiên lý xào tỏi dù khá đơn giản nhưng lại rất đưa cơm. Với màu xanh bắt mắt từ hoa thiên lý, mùi thơm của tỏi được nêm nếm gia vị đậm đà sẽ khiến bữa cơm trong gia đình của bạn thêm ngon hơn, hấp dẫn hơn.

Về nguyên liệu (khẩu phần 3, 4 người ăn)
Hoa thiên lý (300g), tỏi (5 tép) và một số gia vị cần thiết như dầu ăn, hạt nêm, muối, đường, tiêu…
Sơ chế nguyên liệu và cách chế biến
- Hoa thiên lý nhặt sạch, ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 10 phút, vớt ra rửa sạch lại với nước rồi để ráo.
- Tỏi nhặt sạch, bóc vỏ, đập dập sơ.
- Bắt chảo lên bếp cho lượng dầu ăn vừa đủ vào đun sôi. Dầu nóng thì bỏ tỏi vừa đập dập vào phi thơm. Tiếp đó, cho cây thiên lý vào đun khoảng 2 phút. Cho thêm một ít nước vào để xào trong 3 phút cho hoa thiên lý mềm. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn, gồm 1 muỗng bột ngọt, 1 muỗng hạt nêm. Xào đều tay thêm 3 phút nữa cho thấm gia vị vào hoa thiên lý rồi tắt bếp.
Canh chua cây thiên lý
Canh chua hoa thiên lý vị dịu nhẹ, thơm ngon là một món canh bổ dưỡng ngon trong thực đơn ăn uống của mỗi gia đình. Các nguyên liệu cần có và cách sơ chế cũng rất đơn giản.

Về nguyên liệu (khẩu phần 3,4 người ăn)
Hoa thiên lý (300g), chả cá basa tươi (150g), cà chua, ngò, hành lá, chanh, ớt và các gia vị như dầu ăn, muối, đường, hạt nêm, tiêu…
Sơ chế nguyên liệu và cách chế biến
- Rửa sạch các nguyên liệu. Cà chua gọt cắt từng múi cau cho vừa ăn. Ớt cắt lát mỏng, ngò bạn chia làm hai phần, phần gốc ngò thì cắt nhỏ trộn vào chả cá. Một phần cắt nhỏ tạo mùi với hành lá.
- Cho chả cá vào tô để ướp. Thêm ớt, gốc ngò cắt nhỏ, ½ muỗng hạt nêm, ⅓ muỗng tiêu và 1 muỗng dầu ăn. Trộn đều tất cả với nhau cho ngấm gia vị.
- Nấu canh chua với cây thiên lý. Đặt nồi nước lên bếp đun sôi. Dùng muỗng chia chả cá thành từng miếng vừa ăn rồi cho vào nấu chín. Thêm ½ muỗng muối, 2 muỗng hạt nêm, 3 muỗng đường và 4 muỗng nước cốt chanh. Nước sôi thì cho hoa thiên lý vào, tiếp đó cho thêm cà chua vào. Khi cà chua và hoa thiên lý vừa chín tới, bạn cho thêm ớt sừng. Cuối cùng nêm nếm gia vị lại một lần nữa cho vừa ăn rồi bắc bếp.
Canh chua nấu hoa thiên lý thành phẩm có vị chua nhẹ của cà chua và chanh. Chả cá dai mềm đậm vị kết hợp với hoa thiên lý giòn giòn, mềm mềm rất ngon.
Cách trồng và chăm sóc cây thiên lý
Cây thiên lý thuộc họ cây dây leo, dễ trồng, dễ chăm sóc và khả năng kháng bệnh tốt. Dưới đây là kỹ thuật trồng, cách trồng và chăm sóc cây thiên lý.

Điều kiện sinh trưởng của cây thiên lý
Cây thiên lý có thể trồng được cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, do điều kiện miền Bắc có mùa Đông lạnh nên thường cây được trồng rải rác, không tập trung nhiều như ở miền Nam.
- Nhiệt độ phù hợp: Từ 20 đến 35 độ C.
- Nền trồng tại những khu vực nhiều ánh sáng và gió.
- Cây thiên lý phù hợp nhiều loại đất khác nhau. Cây chỉ cần được duy trì độ ẩm vừa phải là có thể sinh trưởng và phát triển tốt.
Mùa nào trồng cây thiên lý? Thực tế, cây hoa thiên lý có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, để nâng cao được tỷ lệ sống, năng suất người ta thường trồng vào thời điểm từ tháng 6 đến tháng 8 dương lịch.
Chọn giống cây thiên lý
Về giống, bạn nên tham khảo chọn mua giống tại các địa chỉ uy tín. Có thể chọn mua dây lươn; hoặc dây thân làm hom trồng.
- Dây thân: Cây khỏa, hoa ra nhanh. Tuy nhiên, thời gian lưu gốc ngắn, chỉ khoảng 2, 3 năm.
- Dây lươn: Cây trồng khỏe mạnh, thời gian lưu gốc cây khá dài từ 4 đến 5 năm. Tuy nhiên, hoa ra khá chậm.
Theo chia sẻ từ chuyên gia, bạn nên chọn dây thân làm giống trồng để cây nhanh ra hoa, năng suất cũng cao hơn.
Cách làm giàn hoa thiên lý
Thuộc họ cây thân leo, vậy nên bắt buộc bạn cần phải làm giàn cho cây. Bạn có thể tham khảo cách làm giàn cho cây thiên lý leo như sau:

- Dùng cọc đã được chuẩn bị chôn xuống đất khoảng 30cm để cọc chắc chắn và không bị đổ. Khoảng cách giữa các cọc nên là 3 đến 3,5 mét. Đóng 2 dãy cọc ở 2 mép giàn cây thiên lý. Phía trên sử dụng dây kẽm căng đan xen nhau tạo thành giàn.
- Trong trường hợp đất rộng thì nên chia thành nhiều giàn khác nhau. Khoảng cách mỗi giàn nên là 1 mét, rộng khoảng 5 đến 8 mét và bố trí giàn theo hướng đông tây.
Cách trồng thiên lý bằng hom
Trồng hom là phương pháp trồng thiên lý phổ biến và được cho là hiệu quả nhất hiện nay. Theo đó, cách trồng cây thiên lý bằng hom cụ thể như sau:
- Bố trí hố trồng vào vị trí giữa hoặc 2 bên mép giàn đã được chuẩn bị. Bạn nên bố trí vào bên mép hố, vị trí trồng so le để khi lên dây thiên lý sẽ bò được đều vào xung quanh giàn.
- Kích thước mỗi hố trồng, sâu khoảng 40cm, rộng và dài từ 0.5 đến 1 mét. Khoảng cách mỗi hố nên cách nhau 3, 4 mét, trồng 2 hoặc 3 hom.
- Phần đất vừa đào lên sẽ đánh tơi xốp, trộn đều với phân bón vi sinh, phân chuồng hoai mục. Sau đó, cho ngập khoảng ⅔ hố trồng.
- Dùng hom dây cây thiên lý cắm phần vừa khoanh tròn xuống hố, lấp chặt đất lên mặt rồi nén chặt. Trồng xong, tưới đẫm nước để tăng độ ẩm, kích thích bộ rễ phát triển nhanh hơn.
Hướng dẫn cách chăm sóc cây hoa thiên lý
Quy trình chăm sóc cây thiên lý đã được các chuyên gia nghiên cứu mà bạn nên áp dụng như sau:

Chăm sóc định kỳ
Sau khi trồng, cây cần được duy trì tưới nước đều đặn từ 7 đến 10 ngày cho đến khi phần mắt chừa lại ở bên trên bắt đầu đơm ra chồi non. Những chồi non này cũng cần được bảo vệ, tránh để gãy, bị hỏng.
Khi thiên lý bắt đầu ra dây, bạn sẽ chọn dây tốt nhất là dây cái, dây chính. Đồng thời cắt bỏ đi các cây nhỏ, không đạt được yêu cầu.
Dây cây thiên lý bắt đầu leo lên giàn thì bấm ngọn tạo thành tán cấp 1. Khi trên tán cấp 1 có khoảng 9, 10 lá sẽ tiếp tục bấm ngọn cành để tạo tán cấp 2, phát triển tán cấp 3 tương tự như thế cho đến khi toàn bộ dây cây thiên lý đã leo được kín giàn.
Trong quá trình chăm sóc, bạn nên chủ động dẫn nhanh cho cây, tránh để các dây bị quấn vào nhau. Đồng thời tỉa bỏ bớt các lá vàng, lá già, lá úa…
Từ năm thứ 2, chúng ta sẽ tiến hành cắt tỉa bớt các cành yếu, cành nhỏ vào tiết Đông Chí để hạn chế, diệt trừ mầm bệnh có thể gây hại cho toàn bộ giàn.
Bón phân
Khi cây thiên lý bắt đầu leo lên giàn, tiến hành bón phân lần đầu bằng cách pha loãng nước với phân theo tỷ lệ 20:1, đem tưới nước đều xung quanh gốc, cách gốc cây khoảng 50, 60cm tránh làm xót rễ cây.
Khi cây bắt đầu ra hoa, tiếp tục bón phân bổ sung. Trung bình liều lượng mỗi tháng khoảng 5 – 10 cân phân chuồng đã ủ hoai mục, 100 phân tổng hợp NPK. Khi bón phân, không cần phải xới đất mà chỉ cần rải đều quanh gốc
Tưới nước cho giàn thiên lý
Rễ cây thiên lý không ăn sâu nên khả năng chịu ngập úng không tốt. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc cho giàn cây thiên lý, bạn cũng cần chú ý tưới đủ nước cho cây.
Nếu không cây dễ bị cằn cỗi, khô hạn, ít ra hoa và năng suất thấp. Trung bình, cây cần được tưới nước 2 lần/ ngày vào sáng sớm và chiều tối.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên đầu tư, lắp đặt giàn phun sương trên mặt lá nhằm phun tưới được nước lên trên mặt lá trong những ngày mùa hè, thời tiết nắng nóng. Tưới trước lên mặt lá cũng là cách giảm thoát được hơi nước qua lá và hạn chế tối đa những tổn hại cho hoa thiên lý.
Qua bài viết là tổng hợp những thông tin về hoa thiên lý mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. Mong rằng, sẽ thực sự hữu ích cho bạn khi tìm hiểu về loài hoa quen thuộc với rất nhiều tác dụng này.